Lạnh và chống lạnh ở Nga

Nói đến Nga, hẳn ai cũng nghĩ đến cái lạnh buốt giả của miền viễn đông. Hôm nay tôi sẽ kể cho các bạn nghe câu chuyện về cái lạnh ấy với những gì mà tôi thấy, nghe và trải nghiệm ở đây.

Lạnh


Xin bắt đầu bằng 1 buổi học tiếng Nga cách đây vài tháng. Hôm đó, lớp chúng tôi học 1 bài nói về thời tiết, trong bài có nói đến nước Canada bị lãng phí tới 70% diện tích đất canh tác do thời tiết lạnh giá, cây trồng không sống nổi. Ở Nga cũng vậy. Những vùng đất lạnh quanh năm phủ băng tuyết thì đất tại đó cứng không tả nổi. Thử tưởng tượng 1 cục đá trong tủ lạnh với 1 cục đất ngoài vườn, bạn sẽ thấy mức độ chênh lệch. Ở những vùng đó duy chỉ có 1 ngành công nghiệp là buộc phải hoạt động vì ưu thế và lợi nhuận nó mang lại, đó là khai thác dầu mỏ. Thế nhưng các thiết bị, máy móc dùng trong việc khai thác cũng là loại đặc biệt để có thể khoan qua lớp đất cứng đó.

Nơi tôi ở thì không lạnh đến mức như thế, vì nó nằm ở miền Trung nước Nga, nơi có loại đất gọi là đất đen, 1 loại đất thuộc loại màu mỡ nhất nước Nga này. Các anh trên Moscow về đây chơi kể chuyện khoai tây ở Tambov này luôn luôn được bán giá cao hơn các nơi khác, vì nó to và ngon hơn (tôi thì chẳng rõ vì ngán khoai tây lắm rồi :D).

Tuy vậy, tôi cũng từng được nếm 1 mùa đông lạnh nhất trong vòng vài chục năm trở lại đây (theo như các bạn người Nga nói thế). Đó là mùa đông năm thứ 2, cách đây 3 năm rồi. Lúc đó nhiệt độ giảm xuống tới âm 40 độ C (trung bình mùa đông chỉ khoảng từ âm 30 đến âm 20 độ C thôi). Chúng tôi đi học mà cũng ngại, ai học xa thì còn khổ nữa vì thời gian ở ngoài đường lâu hơn. Nhất là sáng sớm, mới rửa mặt xong mà ra đường thì trên mặt chẳng khác gì có 1 lớp băng. 2 tai cứng lại ngỡ như búng 1 cái là rơi rụng. Các ngón tay nếu không có găng tay thì e là không năm lại được. Cảm giác lạnh đến đau cả da thịt, người như 1 khúc cây khô. Khổ nhất là ai bị cúm, sụt sịt mũi là ra ngoài đường, nước mũi thành băng luôn!

So với cái lạnh ở nhà, cái lạnh ở đây kèm theo cái khô. Nếu như không lạnh lắm (tầm khoảng âm 10 độ C) thì có lẽ còn thua cái lạnh mùa đông ở Hà Nội. Nhưng nếu lạnh hơn, thì ở Hà Nội vẫn còn thấy sướng!

Chống lạnh


Lạnh như thế nhưng người Nga họ vẫn sống bình thường và sống tốt. Thậm chí nếu mùa đông không lạnh quá, họ còn kêu than nữa. Mình thèm cái lạnh ở Hà Nội trong những ngày tết thế nào thì họ cũng thèm cái lạnh của họ ở đây trong mùa Noel, năm mới như thế ấy.

Nhưng mà họ có nhiều "nguyên tắc" chống lạnh lắm, nếu không thì sao chịu nổi. Bạn biết khi ra ngoài trời lạnh thì cần phải mặc cái gì là quan trọng nhất không? Không phải áo rét, không phải quần len (bọn tôi đứa nào cũng phải mặc quần len khi mùa đông tới, ở Việt Nam chắc chỉ còn mấy em bé mặc :D), cũng không phải giầy đông. Đó là mũ len! Mà mũ len thì phải trùm được tai (kẻo nó rụng lúc nào bạn cũng không biết). Ra đường trời đông mà không đội mũ len, về nhà đau đầu ngay. Người Nga họ thấy mình không đội mũ len (mà thường người Việt mình khi mới qua đâu biết điều này, chịu vài mùa đông lạnh và được truyền bá kinh nghiệm thì mới biết) đều hỏi han cẩn thận, cứ như đối với họ không có mũ len trong mùa đông là 1 điều cực kì lạ lẫm.

Ngoài mũ len thì áo khoác ấm đứng thứ 2. Đàn ông Nga thường có cái áo khoác da, loại da xịn hay sao ấy mà áo nặng và ấm lắm. Nhưng trông nó cổ cổ, cũ kĩ (thực ra đắt lắm đấy, gấp 2-3 lần áo thường). Người Việt mình ở Việt Nam chỉ có các loại áo "nhẹ cân" nêu hầu hết qua đây đứa nào cũng mua áo khoác mới. Nếu ai có ý định qua Nga thì tốt nhất chuẩn bị tiền qua đây mà mua áo, vì đàng nào áo ở nhà cũng không chịu nổi lạnh đâu. Bọn tôi thường toàn mặc 2 áo khoác (1 cái mỏng, 1 cái dầy) hoặc 2 áo len nếu trời lạnh quá.

Mặc như thế là để chống lạnh bên ngoài thôi, một khi đã bước chân vào nhà, bạn sẽ phải cởi hết các đồ khoác ngoài ra vì trong nhà khá ấm (ở nơi nào tôi học cũng có 1 vài phòng dưới tầng 1 chuyên dùng để giữ đồ, chủ yếu là áo khoác). Nhà ở và các công trình của Nga (như trụ sở, trường học, ...) được xây để chống lại thời tiết rất tốt. Gây ấn tượng mạnh nhất với chúng tôi hồi mới qua là tường nhà dày tới gần 1m. Như tường phòng tôi chắc phải cỡ 70cm, ở đó có cửa sổ 2 lớp, và chỗ trống còn thừa tôi có thể sắp xếp thoải mái sách vở của mình (nó thành chỗ chứa đồ linh tinh của tôi nữa). Các cửa sổ ở các lớp học cũng đều dày như vậy. Họ thường đặt chậu hoa lên cửa sổ cho đẹp. Nhờ có tường dày nên mùa đông cái lạnh không vào được phòng, còn mùa hè cái nóng cũng ở ngoài luôn. Thế nên trong phòng ở kí túc xá chúng tôi, có thể lúc nào cũng quần đùi áo phông được mà không sợ.

Chỉ có điều cửa sổ phòng ở kí túc họ làm không được kín lắm nên hàng năm, mỗi khi đông tới là chúng tôi phải mua giấy dán cửa sổ (là loại băng dính chuyên dùng để dán vào các khe cửa cho gió khỏi lùa vào, hoặc là tự bôi keo lên giấy rồi dán). Cửa sổ có 2 lớp kính nên đôi khi băng đọng lại trên lớp kính ngoài trông như san hô (hay còn gọi là xương cá :D) khá đẹp, nhất là khi mặt trời lên buổi sớm, băng còn chưa tan kịp thì trông nó lấp lánh rất bắt mắt.

Kiểu chống lạnh đặc chủng của người Nga


Xin quay lại buổi học tiếng Nga ở trên. Hôm đó cô giáo có hỏi bọn tôi là làm thế nào để giữ cho người khỏi bị lạnh trong mùa đông? Tôi trả lời hồn nhiên như những gì rất bình thường là cần phải mặc nhiều áo ấm. Cô giáo lắc đầu bảo không phải! Ngược lại mới đúng!

Rồi cô giáo kể chuyện làm thế nào để tập chịu đựng quen với cái lạnh này. Rằng người Nga họ tập như thế từ khi còn bé. Có những đứa bé được tập bằng cách đi chân đất ngoài trời tuyết. Cả lũ chúng tôi há hốc miệng, mắt tròn lên vì chuyện khó tin đó. Ngay đến người lớn đi chân đất ngoài trời tuyết cũng là cực hình chứ nói chi đứa bé. Nhưng cô giáo bảo là có chuyện đó, dù rằng nó không nhiều và không phổ biến lắm.

Cái phổ biến hơn là tắm nước lạnh! Cô giáo nói tắm nước lạnh hằng ngày ngoài việc tập cho mình khả năng chống lạnh, còn có tác dụng chữa nhiều bệnh tật trong người. Bản thân cô (khoảng 60 tuổi rồi) vẫn duy trì thói quen tắm nước lạnh vào mỗi buổi sáng. À, mà cần nói thêm là nước lạnh bên Nga này "lạnh" theo đúng nghĩa của nó (chứ nước ở nhà mình gọi là mát thì hợp lí). Nó lạnh có lẽ tương đương nước đá trong tủ lạnh tan ra, nói thế để bạn hình dung cho dễ. Nước sinh hoạt ở Nga bao giờ cũng có 2 vòi nóng lạnh, nước nóng thì tất nhiên phải đun, còn nước lạnh chẳng cần làm gì, tự nó đã lạnh vậy rồi. Là vì (không kể mùa đông nhé) đường ống dẫn nước được chôn rất sâu, đất ở chỗ đó vẫn còn lạnh, nhiệt độ thấp làm nước cũng lạnh theo. Chỗ tôi bây giờ đang mất nước nóng, và dù đang là mùa hè (nhiệt độ cũng khá cao, khoảng trên 30 độ) nhưng khó mà tắm nguyên nước lạnh, rửa tay rửa chân cũng phải rụt rè.

Ngày xưa, khi tôi học ở Bách Khoa, có thầy giáo dạy thể dục cũng từng đi học ở Nga về, thầy kể là tôi (thầy giáo) thường xuyên tắm nước lạnh để duy trì sức khỏe và phòng chống bệnh tật. Mà đúng thật, ông ấy khỏe lắm, tuổi cao rồi mà vẫn làm các động tác thể dục mẫu cho bọn tôi làm theo.

Cạnh phòng tôi vài năm trước, có 1 đứa người Nga sống. Một hôm đầu mùa đông trời mới đổ tuyết, nó cùng bọn tôi chạy xuống chơi (bọn tôi cũng hí hửng đón tuyết kiểu như mấy phim Hàn Quốc ý, mà chả thấy gì hay, chỉ thấy lạnh :D). Nó cởi trần, cầm 1 vốc tuyết xoa xoa lên ngực kêu khoái lắm, rồi bảo mấy đứa con trai làm thử coi. Bọn tôi chịu, hỏi nó mày không lạnh à, nó hồn nhiêu kêu không. Rồi nó cũng bảo làm thế này tốt lắm, chữa bệnh đấy. Lúc ấy trong đầu bọn tôi thầm nghĩ tao mà làm theo mày chắc tao mới mang bệnh!

À, còn 1 chút nữa về cái kiểu tắm lạnh này của người Nga. Đó là vào dịp cuối đông cách đây vài năm, khi tuyết đang tan. Lúc đó băng trên sông (mùa đông dòng sông đóng băng hết, có thể đi lại trên đó được, có lẽ Đan Trường ngày xưa cũng qua Nga nên có bài hát Dòng sông băng :D) cũng đã tan nhưng chưa hết, vẫn còn nổi lềnh bềnh vài tảng trên sông. Chúng tôi dịp đó có đi bơi thuyền dọc dòng sông ấy thì thấy mấy ông già người Nga đang bơi trên sông. Họ vẫy tay kêu bọn tôi. Nước sông còn lạnh, băng còn nổi mà họ thì bơi ầm ầm, trong khi trên thuyền, đứa nào trong bọn tôi cũng đang mặc áo khoác.

Tôi thì thích mùa đông vì nó cho phép tôi lười! Nếu có chút lạnh của mùa đông thì hè này đỡ nóng biết mấy, đêm ngủ lại ngon nữa. Còn bây giờ tôi đi ngủ đây, chúc các bạn ngủ ngon.