Những cú sốc văn hoá

Tôi còn nhớ ngày trước khi bắt đầu học đại học ở Việt Nam, bọn tôi có 1 bài tiếng Anh nói về những "cú sốc" văn hoá. Ngày đó cô giáo kể rằng người nước ngoài khi sang Việt Nam thường hay bị sốc với lời chào kiểu như "Đi đâu đấy?" vì ở nước họ chào không bao giờ như hỏi vậy. Lúc đó tôi chưa được ra nước ngoài nên hiểu biết về văn hoá của các nước khác ít ỏi, chẳng biết lấy ví dụ gì để thảo luận, cả lớp ngồi im re, mà cô giáo cũng chỉ lấy được có 1 ví dụ đó thôi.

Bây giờ sang Nga, sống cũng được mấy năm, nhớ ngày đầu mới sang bọn tôi cũng thực sự bị sốc bởi những khác biệt văn hoá như thế. Đó thực ra là những cách hành xử, ứng xử thường ngày, mà ở mỗi nước cũng khác nhau, thậm chí các vùng trong 1 nước cũng khác nhau. Có những thứ hay, văn minh, có những cái chỉ đơn thuần là do thói quen của người ta, giống như nhập gia phải tuỳ tục, còn có cả những cái thì không thể hiểu nổi nữa.

Thôi thì mình bắt đầu bằng cú sốc đầu tiên như việc chào hỏi. Nếu ở Việt Nam câu chào là 1 câu hỏi thì bên này không thế. Nếu 2 người con trai gặp nhau thì khi chào hỏi bắt buộc phải bắt tay. Không chỉ xã giao mà bạn bè thân cũng bắt tay, làm quen cũng bắt tay, giới thiệu cũng bắt tay, ... nói chung con trai không bắt tay không được. Hơn cả thế nữa, nếu bạn đeo găng tay thì khi bắt tay phải cởi bỏ nó ra, bắt tay là phải bắt tay trần. Còn nếu tay bạn dính nước hay bị bẩn thì vẫn cứ phải giơ tay ra mà bắt, nhưng người kia sẽ nắm vào cổ tay của bạn, coi như thế cũng là bắt tay. Khi bạn gặp bạn bè đông đảo chẳng hạn, bạn phải đi bắt tay lần lượt từng người nữa, bằng hết thì thôi. Nếu trong ngày mà bạn gặp ai đó 2 lần thì chỉ bắt tay lần gặp đầu tiên thôi, coi như chào hỏi, còn lần sau thì không cần.

Cái bắt tay này đôi khi cũng gây rắc rối cho bọn tôi, và thỉnh thoảng cả bọn Nga nữa. Nhớ ngày đầu đi học, sau khi chào hỏi tử tế mấy đứa bạn mới xong, mình cứ đứng im làm bọn nó nhìn mình lạ hoắc, sau rồi bọn nó đến bắt tay mình mới hiểu. Có hôm 1 đứa đi học muộn, vào lớp, dù thầy đang giảng nó vẫn cứ đi khắp các bàn để bắt tay, khiến ông thầy bực mình bảo giờ ra chơi mày hãy chào hỏi bọn nó!

Đấy là con trai với nhau. Đối với con gái thì không bao giờ bắt tay cả, chỉ chào hỏi thông thường. Giơ tay ra là bọn nó cười cho đấy. Giữa 2 đứa con gái với nhau thì thi thoảng (thi thoảng thôi nhé) còn hôn môi nhau nữa cơ. Đôi khi đi học thấy trước cổng trường 2 cô nàng xinh xắn hôn nhau chụt một cái mà mình chỉ muốn mình là 1 trong 2 nàng đó thôi :D.

Cú sốc thứ 2 là cú sốc về xe buýt. Đừng tưởng chỉ ở Việt Nam xe buýt mới đông, bên Nga cũng vậy. Đấy là chưa nói xe buýt chỗ tôi còn tồi tàn hơn ở Việt Nam rất nhiều, nó giống như các xe ca chạy liên tỉnh hồi trước. Nhưng mà cái đấy không sốc. Cái sốc là ở đây khách lên xe bao giờ cũng ở cửa sau và xuống cửa trước, người thu tiền vé xe chẳng phải đi đâu cả, chỉ ngồi ở 1 ghế gần cửa trước, khi ai đó xuống xe, họ sẽ tự động đi lên cửa trước, trả tiền và xuống. Nếu như xe đông quá (mà chuyện đấy thường xảy ra lắm khi mùa đông tới vì người ta mặc áo khoác dày nên chiếm chỗ thêm, người như nêm với nhau, có khi tôi đứng không cần bám mà vẫn ngủ gật ngon lành!) thì ai muốn xuống cửa sau phải chuyển tiền lên trên cho người thu tiền vé.

Ngày mới sang, khi đi xe buýt bọn tôi có biết cái luật bất thành văn đó đâu. Cả lũ ngơ ngác, mắt dáo dác. Cũng may là có mấy anh chị khoá trước chỉ cho mới biết. Đứa nào cũng tự hỏi là với cách lên xuống, trả tiền như vậy đôi khi trốn vé thì sao nhỉ. Thực sự thì tôi cũng thấy có 1-2 lần có người như thế, nhưng nói chung là cực kì ít, người ta tôn trọng cái luật đấy lắm.

Mà đấy là ở thành phố của tôi thôi, khi tôi lên Maxcova thì mọi thứ lại khác, mỗi nơi 1 kiểu. Ở đó họ hiện đại hơn, vé đi xe buýt là vé từ, lên cửa trước, đưa vé từ vào quét thì thanh chắn mở được, khi xuống thì thoải mái xuống cửa sau.

Mà nói về trật tự thì trên xe buýt đó là 1, cái thứ 2 là xếp hàng. Ngày xưa (và cả bây giờ) tôi thường nghe người lớn kể lại về thời bao cấp, khi mà muốn mua 1 ít thịt là phải ngồi xếp hàng cả buổi. Có khi bận việc mà vẫn muốn giữ chỗ thì dùng hòn gạch để thay thế. Giờ ở Nga thì không có cục gạch (có lẽ vì cục gạch ở đây nặng và to hơn ở Việt Nam, nó màu trắng, trông như cục đá, tuy cũng vuông vức; hơn thế gạch cũng khó kiếm vì chỉ chỗ nào xây dựng mới có) nhưng mà thói quen xếp hàng thì vẫn còn. Khi ra cửa hàng mua đồ, người ta thường hỏi câu đầu tiên "Bác có phải là người cuối cùng không?" để rồi sau đó xếp sau người đó. Đôi khi vì lí do nào đó mà hàng người khá dài, nhưng không thấy ai bon chen cũng như vội vã cả. Cảnh tượng này khác hẳn với ở Việt Nam, nhất là ở sân bay! Lần nào tôi bay về Việt Nam rồi bay sang cũng phải vã mồ hôi cho cái chuyện xếp hàng và chen đẩy, 1 phần vì đồ đạc nhiều và 1 phần vì chen chúc không có lối. Nếu như ai đó mua đồ mà vội vàng, muốn lên trước thì họ sẽ hỏi những người đứng trước, xin phép họ, và nếu đồng ý thì mới được. Chuyện gì đến sẽ đến, kiểu gì cũng đến lượt mình ấy mà, lo gì ;)

Còn có cả chuyện sang đường nữa. Hồi làm sinh viên ở Việt Nam, mỗi lần sang đường tôi nhớ là mắt phải ngó trước sau cẩn thận, tay vẫy vẫy để xin lối. Không để ý là có thể 1 tuần dưỡng sức trong bệnh viện như chơi. Bên này cứ đèn đỏ thì sang đường, nếu không thì sang đường theo các lối dành cho người đi bộ, ít khi lắm (chủ yếu là người nước ngoài bọn tôi phá luật) mới sang đường ở giữa đường. Các lối này có cái nằm ở chỗ đèn xanh đèn đỏ, có cái không. Nếu ở chỗ không có đèn thì cũng phải nhìn ngó 1 chút, nhưng khi qua bạn sẽ thấy khác là tất cả các xe ô tô (bên này toàn ô tô thôi, xe máy ít lắm, thời tiết băng giá khiến cho đường đóng băng, trơn trượt, xe máy không đi được) phải dừng lại cho bạn qua. Có lần tôi hoảng hồn khi có xe phanh kít lại ngay gần, nhưng sau cũng quen. Dù xe có chạy thế nào đi nữa, gặp làn đường cho người đi bộ mà có ai đó đang đi thì đều phanh và dừng lại hết. Mà người Nga thích cái kiểu phanh gấp và tăng tốc đó lắm. Đi taxi họ ngó đường rồi nhấn mạnh ga, làm xe chồm lên rồi phóng. Không phải phóng ẩu đâu, nhưng thói quen họ là vậy. Phanh cũng thế, chạy cứ vun vút, đến sát chỗ dừng thì kkkiiiittttt..., xịch, mời bạn xuống xe.

Lần tôi về Việt Nam lần đầu tiên, sang đường đợi đèn đỏ đèn xanh, rồi đứa em của tôi cười, 1 nụ cười như muốn nói là "Anh ở Nga ngố về nên cũng ngố mất rồi"!

Thôi, lần này kể đến đây thôi, sau này có hứng tôi sẽ kể tiếp :). Cuộc sống luôn luôn là muôn màu muôn vẻ, nói là kể 1 lần thì cũng hết mà nói là kể 100 lần thì cũng vẫn còn ;)

8 nhận xét :

  1. Những chia sẽ như thế này rất ít gặp đấy bạn !. Qua đây mình có thể biết được đôi nét về cuộc sống, về văn hoá nước Nga. Mình thật sự cảm ơn bạn. Hy vọng sẽ được chia sẽ nhiều hơn những kinh nghiệm thực tế thú vị này.

    Chúc vui !

    Ah mà bạn ơi, bạn có thể post những kinh nghiệm này trên Kiến Thức Du Lịch không ?!

    Dinh Trung

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn bạn đã động viên. Mình chỉ muốn ghi lại những giây phút đang sống ở đây, để sau này còn có thể nghĩ lại và mỉm cười :).

    Chuyện post trên Kiến Thức Du Lịch mình thấy hơi khó, mình viết không giống như là 1 bài giới thiệu về 1 địa điểm du lịch hay cái gì đó đại loại như vậy. Nếu bạn muốn, bạn có thể viết lại theo văn phong phù hợp từ bài viết của mình và đăng tải lại cũng được.

    Trả lờiXóa
  3. Đọc bài của Tuấn Anh, hay quá vui nữa. Thật hay vì Trang cũng biết được về văn hóa ở Nga qua bài viết của Tuấn Anh. Khi nào rãnh nhớ viết tiếp nhe. Trang đang chờ để đọc đó...........

    Trả lờiXóa
  4. Shock van hoa con kinh khung hon ca soc do bi dien giat, cam on nhieu ve bai viet hay nhe

    Trả lờiXóa
  5. Mày đi chuyển giới đi rồi khi chào hỏi cũng đuợc hôn chùn chụt mấy em gái bên đó. Sướng nhé! được như mong ước :))

    Trả lờiXóa
  6. Làm thế nào mà không chuyển giới mà đạt được mong ước ấy :D, mày có cao kiến gì ko :))

    Trả lờiXóa
  7. đọc bài của anh thấy hỉu thêm nhìu về VH nước Nga! a post nhìu nhìu bài nữa cho e đọc vơí nha! thx anh :D

    Trả lờiXóa